Xây dựng chiến dịch online marketing

0
16

Thông tin về chiến dịch. Thông thường bao gồm: trang web, microsite, blog, twitter… Tại sao lại lựa chọn blog để thực hiện một chiến dịch mà không phải là xây dựng trang web? Tại sao đa phần các chiến dịch khuyến mãi, tung sản phẩm mới lại gắn liền với các microsite?

Xây dựng chiến dịch online marketing

 

Website: Biến trang web thành “văn phòng ảo”

Trang web, dưới con mắt của những người làm marketing, là một trung tâm triển lãm và giao dịch ảo của doanh nghiệp trên mạng Internet. Showroom này trưng bày toàn bộ thông tin, dữ liệu, hình ảnh về công ty, về các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động sản xuất kinh doanh mà công ty muốn truyền tải tới người truy cập Internet.

Trang web – cầu nối doanh nghiệp và khách hàng

Theo ông Trương Văn Quý – Giám đốc Công ty EQVN, để một trang web thực sự trở thành công cụ hỗ trợ kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu về chức năng tìm kiếm, kỹ thuật và cả yếu tố thẩm mỹ, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái và thuận tiện khi truy cập thì doanh nghiệp cần lưu tâm ba vấn đề chính:

* Giao diện trang web: đơn giản, chuyên nghiệp, phù hợp với cá tính thương hiệu và đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng mục tiêu mà trang web nhắm đến. Giao diện là một thành phần trong hệ thống nhận diện thương hiệu nên cần được thiết kế phù hợp với các ấn phẩm tĩnh của doanh nghiệp như: name card, brochure…

* Nội dung: phong phú, bổ ích, có sức lôi cuốn và được cập nhật thường xuyên. Cần xây dựng nội dung trên tinh thần đáp ứng nhu cầu thông tin của khách hàng mục tiêu. Chỉ có bản thân doanh nghiệp mới tạo ra được nội dung hấp dẫn, không có agency nào thay thế được doanh nghiệp khi thực hiện điều này. Cũng cần lưu ý đến vấn đề công nghệ, nếu một trang web không tải xuống được trong khoảng thời gian tính bằng giây, cơ hội để người sử dụng quay lại trang web đó gần như là bằng không.

* Chức năng tương tác: đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng. Tính tương tác thể hiện ở các hoạt động như: đăng ký thành viên, yêu cầu báo giá, hỗ trợ khách hàng… Nếu khai thác tính năng này tốt, doanh nghiệp có thể nhận diện khách hàng mục tiêu dễ dàng, thu thập dữ liệu về khách hàng thuận tiện.

Điểm mấu chốt quyết định thành công của một trang web chính là sự am hiểu về khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Trước đây, nhiều người nghĩ rằng trang web phải do bộ phận IT của doanh nghiệp xây dựng, quản lý và điều hành thì nay công việc này nên xuất phát từ phòng marketing bởi những người làm tiếp thị sẽ đưa ra thông điệp gần gũi với khách hàng của doanh nghiệp hơn.

Đường dẫn là tướng, nội dung là vương

31,5 triệu là số trang web được tạo mới trong năm 2008. Riêng tại Việt Nam, theo thống kê của VNNIC tính đến tháng 2.2009 đã có gần 100.000 tên miền .vn đã được đăng ký. Nếu không nỗ lực quảng bá, trang web của bạn sẽ chìm sâu trong “đại dương” Internet và những đầu tư cho trang web sẽ là “công dã tràng”. Việc truyền thông trước hết phải thực hiện từ nội bộ. Chính những nhân viên trong công ty, thông qua các mối quan hệ của mình sẽ là những người đầu tiên quảng bá trang web doanh nghiệp. Đừng bao giờ đưa ra bên ngoài các ấn phẩm marketing tĩnh như namecard, brochure… mà không đặt lên đó địa chỉ trang web của doanh nghiệp. Hãy xây dựng một kế hoạch quảng bá lâu dài và gắn kết với hoạt động marketing của doanh nghiệp: có mục tiêu, có ngân sách, có theo dõi, và đánh giá. Tùy theo quy mô doanh nghiệp mà sử dụng cá nhân chuyên trách hay thuê dịch vụ bên ngoài (outsource) cho công tác vận hành. Để tăng hiện diện và quảng bá trang web trên môi trường Internet, doanh nghiệp có thể quảng bá bằng các hoạt động như: đặt banner, mua từ khóa, trao đổi link với các trang web khác, tham gia mạng cộng đồng…

Luôn nhớ rằng trang web không phải là một dự án làm một lần, mà là quá trình hoàn thiện không ngừng theo chu trình 4C: Conception (ý tưởng) → Construction (xây dựng) → Communication (truyền thông) → Continuation (vận hành, tiếp tục).

Microsite: Kiếp phù du của microsite

Những con phù du sinh ra và tồn tại chỉ vỏn vẹn trong vòng một ngày, giống như tuổi thọ của các microsite phục vụ cho các chiến dịch marketing. Ra đời khi nhãn hàng bắt đầu chiến dịch, các microsite nhanh chóng có lượng khách ghé thăm kỷ lục và được coi như đã hoàn thành sứ mệnh khi chương trình kết thúc.

Microsite là gì?

Microsite là một trang web quy mô nhỏ, tập trung truyền đạt những thông tin chi tiết về sự kiện, chương trình giới thiệu sản phẩm mới hoặc chương trình khuyến mãi. Microsite thường chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, thường từ một đến hai tháng. Ngoài mục đích quảng bá, chúng còn mang sứ mệnh giúp cho thương hiệu tương tác với người tiêu dùng, nhận diện khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn. Điểm nổi bật của microsite là chi phí đầu tư thấp, thông thường chỉ bằng 1/10 đến 1/3 so với kinh phí để xây dựng một trang web thông thường. Ngoài ra, microsite còn hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên kinh doanh trong việc giới thiệu và bán sản phẩm mới. Nhờ những ưu điểm này, microsite đang trở thành công cụ quảng cáo trực tuyến rất “hot” nhưng không phải nhà làm tiếp thị trực tuyến nào cũng khai thác một cách hiệu quả.

Làm sao để tăng hiệu quả của microsite?

Vòng đời của microsite rất ngắn, bởi vậy, trong khoảng thời gian đó các marketer phải làm thế nào để phát huy hết tác dụng của microsite và biến nó thành một công cụ thực sự hiệu quả cả về chi phí và đầu tư? Đó là bài toán mà các nhà làm tiếp thị trực tuyến đang đi tìm lời giải. Theo bà Nguyễn Phương Dung, Giám đốc Điều hành Công ty Innity, các doanh nghiệp nên lưu tâm đến những vấn đề sau khi xây dựng một microsite:

* Nên thiết kế microsite thân thiện và thuận tiện, dễ tìm kiếm thông tin.

* Quảng bá microsite để tăng lượng khách ghé thăm bằng cách đặt banner trên các trang web, mạng xã hội, thậm chí cả báo in.

* Tạo cơ hội cho khách hàng tương tác và trải nghiệm cùng nhãn hàng bằng cách tích hợp các trò chơi, video clip, âm thanh, hình ảnh, gửi lời mời tới những người bạn….

* Gắn kết microsite tới trang web của công ty hoặc sản phẩm đó. Việc làm này nhằm mục tiêu chủ yếu của người làm tiếp thị là quảng bá thương hiệu chính của doanh nghiệp/sản phẩm.

* Am hiểu công nghệ của doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp có công nghệ tốt, có thể xây dựng microsite thành một subsite (một nhánh nhỏ của trang web doanh nghiệp, ví dụ: samsung.com/vn/ruocduocolympic2008). Ưu điểm của cách làm này là làm tăng lượng khách ghé thăm trang chủ. Trong khi đó, những công ty khi xây dựng subsite phải xin phép quản lý vùng thì giải pháp xây dựng microsite với một tên miền hoàn toàn mới tỏ ra phù hợp hơn.

Để xây dựng và khai thác microsite hiệu quả, nhà hoạch định chiến lược phải chú trọng ngay từ khâu hình thành ý tưởng, kết hợp với các ứng dụng của Internet một cách khéo léo để thu hút khách hàng tới thăm nhiều nhất trong thời gian diễn ra chương trình. Hơn thế, doanh nghiệp phải biết cách giữ chân các thành viên tham gia microsite để biến họ thành một cộng đồng, tạo ra những hiệu ứng về marketing truyền miệng, viral marketing… Khi đó, dù microsite đã được “khai tử”, nhưng những lợi ích của nó vẫn còn tồn tại mãi.

Blog: Kết bạn với người tiêu dùng

Blog là gì?

Blog – nhật ký điện tử là một trang web hoặc một nơi nào đó trên web mang tính chất của một diễn đàn mở, nơi người ta có thể chia sẻ và thể hiện bản thân. Sử dụng blog hầu như miễn phí nên rất phù hợp cho những doanh nghiệp nhỏ chưa có điều kiện lập trang web. Việc xây dựng và cập nhật thông tin cũng khá dễ dàng. Trường hợp doanh nghiệp đã có trang web, blog cũng là một công cụ truyền thông đáng chú ý vì mang tính tương tác tự nhiên, dễ dàng tiếp cận và gây cảm tình với người tiêu dùng, nhanh chóng nắm bắt được nhu cầu và suy nghĩ của họ. Blog được coi là trang thông tin cá nhân thể hiện cái tôi riêng tư nên cũng là nơi doanh nghiệp/sản phẩm có thể dễ dàng thể hiện cá tính thương hiệu của mình.

Làm sao để blog hoạt động hiệu quả?

Lợi ích là thế, nhưng nếu không tạo ra được một phong cách, cá tính riêng, không xây dựng mối quan hệ và tham gia các hoạt động của cộng đồng thì chiến dịch marketing bằng blog cũng chẳng có cơ hội tồn tại trong thế giới ảo. Hiệu quả chỉ được tạo ra nếu biết sử dụng đúng cách:

* Xây dựng nội dung hấp dẫn, phù hợp: Sức lôi cuốn của một trang nhật ký điện tử trước hết là ở nội dung. Blog không phải là nơi chứa các thông cáo báo chí hay chính sách doanh nghiệp mà hãy chọn lọc những thông tin hữu ích và thể hiện bằng ngôn ngữ và phong cách gần gũi với cộng đồng mạng. Không những nhận được sự ủng hộ của độc giả, một blog khi trở thành nguồn thông tin hữu ích còn giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín của mình khi được các blogger chia sẻ đường link, trích dẫn thông tin hay ý kiến.

* Cá nhân hóa: Bên cạnh nội dung, cư dân blog còn rất quan tâm đến tâm tư, tình cảm và phong cách của một cá nhân thể hiện qua màu sắc, hình ảnh và giọng điệu của từng câu chữ. Hãy chia sẻ suy nghĩ, quan điểm và những thông tin mang tính cá nhân về công ty bạn, đồng thời tạo một cái “gu” hay dấu ấn riêng để thu hút người đọc.

* Quảng bá và xây dựng mối quan hệ: Một blog sẽ chẳng có tác dụng gì nếu không nhận được sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng mạng. Vì thế, bạn phải thu hút độc giả và tăng lưu lượng cho blog bằng cách tham gia vào các diễn đàn, mạng xã hội, tạo liên kết với các blogger khác… và quảng bá thông qua các công cụ online khác như chat, email…

* Thường xuyên cập nhật: Thông tin luôn mới và cập nhật đều đặn thì mới thu hút người đọc quay trở lại. Nếu không thể viết các entry mỗi ngày thì bạn cũng nên thông tin về các hoạt động của mình và cập nhật các nội dung mới, để tạo mối quan hệ gắn bó với những người quan tâm đến mình. Tuy nhiên, không nên lạm dụng điều này vì sẽ gây nên sự nhàm chán cho người đọc.

* Trả lời các comment: chỉ khi đánh giá tốt bài viết hay quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp thì người ta mới bình luận. Do đó, tích cực trả lời các lời bình, bạn có thể xây dựng lòng trung thành với các khách hàng mục tiêu, đồng thời cũng là cơ hội để giải thích hoặc phản hồi lại những ý kiến bất lợi đối với doanh nghiệp mình.

Mạng xã hội: Những điểm “+” và “-” của cộng đồng ảo

Mạng xã hội là gì?

Mạng xã hội, hay gọi là mạng xã hội ảo, (social network) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian (theo định nghĩa từ wikipedia). Việc thành lập những cộng đồng ảo mới và sự hoán đổi ngôi vị của những mạng dẫn đầu đang diễn ra từng ngày với tốc độ chóng mặt. Song song đó là xu hướng hình thành những cộng đồng trực tuyến gắn với những nhóm nghề nghiệp và lợi ích đặc thù. Giá trị cốt lõi của một mạng xã hội bất kỳ phụ thuộc vào sự tham gia của các thành viên trong mạng.

Các mạng xã hội cho phép các công ty chủ động tạo dựng và phát triển profile, quảng cáo sản phẩm hay tiết lộ những thông tin có ích, và xa hơn là hòa nhập và trở thành một phần của cộng đồng. Đó là lý do mà theo ông Lucas Watson, người phụ trách toàn cầu về chiến lược kinh doanh kỹ thuật số của Tập đoàn P&G cho rằng: “Các marketer phải học cách kết nối với người tiêu dùng và tạo ra ảnh hưởng trên các mạng xã hội, nó sẽ mang đến cho các bạn những thành quả tuyệt vời”.

Marketer cần biết gì khi sử dụng cộng đồng ảo?

Điểm “+”

Trước tiên cần thấy rằng mạng xã hội ảnh hưởng đến khả năng thành công của chiến dịch tiếp thị trực tuyến trên hai khía cạnh: giúp lan truyền thông tin tích cực, mới lạ về sản phẩm, cũng như những phản hồi từ người tiêu dùng tiềm năng; khả năng của mạng xã hội là giúp kết nối cá nhân, giúp người này “gặp” người khác, từ đó làm tăng khả năng những thành viên mới tham gia vào cộng đồng.

Để việc tham gia vào mạng xã hội mang lại hiệu quả tích cực cho chiến dịch marketing, cần có sự bố trí lực lượng hợp lý, trong đó marketer cần quan tâm tới ba nhóm người sau:

* Connector – người kết nối, đóng vai trò là người “kết dính xã hội”, có tầm ảnh hưởng lớn, là người sẽ giới thiệu người tiêu dùng với những nhóm mà “họ nên biết”

* Maven – người môi giới thông tin, là người không ngừng nói với khách hàng tiềm năng về những cơ hội tốt, là người luôn đưa ra những lời khuyên về việc mua cái gì và nên tới đâu để mua hàng

* Salesmen – nhà truyền giáo, thúc đẩy khách hàng hành động, nói cách khác là thuyết phục họ mua hàng

Trong thời đại của web 2.0, thành công của một chiến dịch marketing không chỉ phụ thuộc vào số lượng người tham gia vào cộng đồng do marketer tạo ra, mà còn liên quan vấn đề đo lường mức độ phản hồi, tiếp nhận của các thành viên trong cộng đồng một cách nhanh nhất. Nhờ công nghệ mới, marketer có thể tổng hợp được ngay những dữ liệu quan trọng như: thu nhập bình quân theo người sử dụng (ARPU), khả năng sinh lời của các hàng cá nhân, hay hệ số ROI của quảng cáo… Những số liệu này có thể được cập nhật hàng ngày, thậm chí hàng giờ tới marketer.

Điểm “-”

Tính lan truyền theo cấp số nhân của cộng đồng ảo cũng sẽ là cách thức hủy hoại một nhãn hàng nhanh nhất khi có thông tin không tốt về sản phẩm. Chính điều này làm cho mạng xã hội trở thành một con dao hai lưỡi, đòi hỏi các marketer phải rất thận trọng trong khi triển khai chiến dịch online marketing.

Mạng xã hội mới chỉ hợp với thành phố lớn. Với 530 triệu thành viên đang tham gia vào các cộng đồng ảo trên khắp thế giới và 70% các cuộc thảo luận có chủ đề liên quan thương hiệu và sản phẩm, những MySpace, Facebook, Youtube… đã và đang trở thành nơi để những marketer triển khai ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, nếu làm online marketing tại Việt Nam, liệu các mạng xã hội ngoại có phải là phương án tối ưu?

Người Việt còn “lạ” với mạng “ngoại”. Theo kết quả nghiên cứu do FTA công bố đầu năm 2009, sự chia sẻ thị phần các mạng xã hội tại Việt Nam có nhiều đặc điểm đáng chú ý. Người dùng Internet tại Việt Nam dường như “xa lạ” với các mạng xã hội như MySpace hay Facebook. Theo báo cáo của Facebook, chỉ có gần 40.000 người Việt tham gia mạng này tính đến hết năm 2008. Hệ thống được ưa chuộng nhất tại thị trường trong nước vẫn là Yahoo!360, người tí hon của thế giới nhưng lại là gã khổng lồ ở Việt Nam. Các chiến dịch marketing trực tuyến tại Việt Nam thời gian gần đây thường ít nhiều gắn với các mạng xã hội “ngoại” như YouTube hay Yahoo!360.

Chỉ hợp với địa bàn thành phố lớn. Trong kết quả điều tra mới được công bố, có những số liệu rất lý thú với những marketer đang tính toán phát triển chiến dịch tiếp thị bằng mạng xã hội. Chẳng hạn lượng người truy cập Internet nhưng không sử dụng mạng xã hội trong vòng ba tháng qua tại các thành phố lớn ở Việt Nam lên tới xấp xỉ 30%, cá biệt tại Đà Nẵng và Cần Thơ, tỉ lệ này lên tới 60%. 76% giới trẻ từ 17 đến 30 tuổi không có ý định tăng thêm thời gian cho mạng xã hội. Những con số này chắc hẳn sẽ làm nhiều marketer dự định sử dụng mạng xã hội trong chiến lược sắp tới phải đắn đo hơn nữa trước khi lên kế hoạch.

Thời gian trực tuyến trên các mạng xã hội của người sử dụng còn ở mức thấp. Ngoại trừ TP.HCM, tại các đô thành khác của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, cư dân mạng dành khoảng 3,8 – 5,63 giờ/tuần cho mạng xã hội. Tần suất sử dụng mạng xã hội tại các đô thị lớn của Việt Nam trung bình là 5,72 lần/tuần, thấp hơn nhiều so với các hoạt động như đọc tin tức 9 lần/tuần, chat 8 lần/tuần.

Khó khăn nhiều nhưng vẫn có cơ hội cho các marketer muốn tận dụng cộng đồng mạng xã hội Việt. TP.HCM có thể là nơi khởi đầu cho các chiến dịch marketing thông qua mạng xã hội. Tại đây, mật độ người sử dụng truy cập các mạng xã hội tới 8,06 lần/tuần, thời gian trực tuyến trên các cộng đồng ảo của họ vào khoảng 8,33 giờ/tuần, mức cao nhất cả nước.

Mạng xã hội trên thế giới

Các mạng xã hội hàng đầu thế giới như MySpace, Facebook, YouTube, LinkedIn… đều chứa đựng những điểm đặc thù hay những công cụ riêng có mà tùy theo chiến dịch các marketer có thể tận dụng tối đa.

* MySpace: 222 triệu thành viên. MySpace ưu tiên hướng tới các nội dung giải trí như chia sẻ âm nhạc, video trực tuyến kết hợp với các dịch vụ giải trí offline. Mạng xã hội này phù hợp với các chiến dịch marketing xây dựng và phát triển các cộng đồng thu hút giới trẻ – những thế hệ tương lai.

* Facebook: 58 triệu thành viên. Facebook là đối thủ của MySpace, nhưng có điểm đặc biệt là giành được sự ưa thích của một nhóm nhờ tập trung vào sự duy trì những mối quan hệ sẵn có. Facebook giúp thành viên nhóm mở rộng mạng lưới bạn bè với các trường khác, cũng như kết nối các hoạt động vui chơi, giải trí và tình nguyện.

* LinkedIn: Tính năng nổi bật nhất của LinkedIn là phát triển mạng lưới quan hệ kinh doanh. Với nhiều thương gia, mạng xã hội này tựa như một cuốn danh thiếp (namecard) trực tuyến, giúp họ dễ dàng kết nối và duy trì với những đối tượng khác, nhất là với tính năng tự động cập nhật danh sách. Cuốn danh bạ trực tuyến này còn nói cho các chủ nhân biết được họ đang có bao nhiêu quan hệ và chúng “bền chặt” đến đâu.

Theo Tạp Chí Marketing

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here