Thu hút quảng cáo trực tuyến

0
34

Thị trường quảng cáo vừa có thêm sự góp mặt của các kênh thông tin giải trí trực tuyến. Với số lượng khách hàng tiềm năng là những người trẻ có nhu cầu giải trí cao và thường xuyên sử dụng các kênh giải trí trên nền Internet, các website giải trí trở thành các kênh quảng bá thương hiệu rất hiệu quả và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

 Thu hút quảng cáo trực tuyến

Công cụ tìm kiếm nhạc trực tuyến Zing MP3, chỉ trong 60 ngày sau khi ra mắt phiên bản thử nghiệm, đã lọt vào danh sách 1.000 website được truy cập nhiều nhất trên thế giới và 25 website được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam (theo thống kê của Alexa). Với con số truy cập ấn tượng như vậy, website này bắt đầu bước những bước đi tham vọng của mình trong việc thu hút quảng cáo trực tuyến.

Thực ra, thị trường quảng cáo trực tuyến đang phát triển trên toàn thế giới. Theo một nghiên cứu thị trường của hãng Jupiter Research, trong 5 năm tới doanh số quảng cáo trên thế giới sẽ tăng gấp đôi đạt 18,9 tỷ USD vào năm 2010. Tại Việt Nam với dân số khoảng 84 triệu dân, tăng trưởng GDP bình quân vào khoảng 7,5%/năm, xu hướng sử dụng Internet cũng đang tăng trưởng một cách đáng kể. Theo một báo cáo nghiên cứu thị trường từ một số doanh nghiệp cho thấy doanh thu của quảng cáo trực tuyến trong nước năm 2006 đạt khoảng 75 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2005.

Dự kiến con số này sẽ tăng lên trong năm 2007 là 130 tỷ đồng. Tuy vậy, đây chỉ chiếm 1% – 2% so với tổng doanh thu của ngành quảng cáo. Dù thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam vẫn chưa đạt tới ngưỡng mong đợi nhưng theo một thông tin gần đây “ông lớn” Yahoo cũng đã bắt đầu có những động thái thăm dò thị trường này cụ thể bằng việc họ đã khảo sát trên cả nước nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin và nhu cầu quảng cáo. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều chọn những website tin tức nổi tiếng, có lượng truy cập cao làm kênh quảng cáo trực tuyến.

Trở lại với Zing MP3, sức hút của công cụ tìm kiếm nhạc Zing MP3 trong mấy ngày đầu ra mắt đã mở ra một hướng nhìn đầy tiềm năng. Ông Vương Quang Khải, trưởng dự án Zing MP3 (VinaGame) chia sẻ: “Được xây dựng và phát triển trên tinh thần web 2.0, trọng tâm của Zing MP3 là hướng tới cộng đồng và sự tương tác với người dùng. Bên cạnh chức năng tìm kiếm nhạc trực tuyến, Zing MP3 còn đưa ra chức năng Playlist khá mới mẻ. Với chức năng này, người nghe có thể tạo cho mình nhiều album riêng với các bài hát yêu thích để có thể nghe bất cứ lúc nào hoặc gửi tặng, chia sẻ với bạn bè, người thân”.

Hiện nay dù chỉ mới đưa ra phiên bản thử nghiệm nhưng Zing MP3 đã nhận được khá nhiều sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng yêu nhạc. Một câu hỏi đặt ra là liệu Zing MP3 và những công cụ tìm kiếm khác sẽ xoay xở nguồn kinh phí từ đâu để nghiên cứu, duy trì và phát triển xa hơn trong tương lai. Tương tự như chiều hướng kinh doanh của Google hay Yahoo Search, những công cụ tìm kiếm tại Việt Nam cũng không ngoại lệ đó là kinh doanh dựa trên nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến, thử thách mà các nhà quản lý này phải đối mặt chính là làm sao để thu hút đông đảo cộng đồng để từ đó thu hút các doanh nghiệp tham gia quảng cáo.

Thu hút người xem nhờ nội dung, rồi từ đó thu hút doanh thu quảng cáo để phát triển nội dung tiếp đang là con đường mà Zing MP3 và một số website nội dung số tại Việt Nam lựa chọn hiện nay. Với tốc độ Internet phát triển như hiện nay thì ngành công nghiệp nội dung số là một trong những ngành được đánh giá là tiềm năng trong việc đóng góp vào sự phát triển bền vững lâu dài cho ngân sách quốc gia. Zing MP3 nói riêng cũng như những dịch vụ khác thuộc lĩnh vực nội dung số đang nỗ lực để “tấn công” vào thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam, tìm doanh thu phát triển.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here